Rát tâm sự mà đôi mắt ngấn nước:"Vì tay co quắp nên viết chữ xấu, sợ thầy, cô giáo đọc không ra, nhất là lúc làm bài thi, thời gian có hạn, mà em thì viết khoảng 15 phút là phải nghỉ một chút nếu không tay co lại đau lắm". Suốt 10 năm liền, Rát đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.
Vào thôn Lạc Tân 2, xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) hỏi nhà anh Phan Phít và chị Bùi Thị Xí để tìm cô bé khuyết tật Phan Thị Rát là một trong số 40 thanh niên được tuyên dương thanh niên tiên tiến tỉnh Ninh Thuận lần thứ I/2009.
Trong căn nhà nghèo nàn ấy có một cô bé khuyết tật nhưng thành tích học tập thì rất đáng nể, 11 năm liền là học sinh giỏi, xếp vị trí thứ hai toàn trường ở năm lớp 11, đặc biệt ở học kỳ 1 năm lớp 11, em được chọn đi thi học sinh giỏi môn Anh văn dành cho khối 12. Em hiện đang là học sinh lớp 11C Trường THPT Nguyễn Trãi, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Lạc Tân 2, xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), một gia đình 5 người mà đã có 4 người bị khuyết tật, bởi thế, mọi lo toan cuộc sống hàng ngày đều đổ dồn lên đôi gánh bán hàng ăn sáng của người mẹ.
Khác với 2 người chị của Rát, vừa lọt lòng mẹ đã mang di chứng khuyết tật từ người cha, riêng Rát khi sinh ra vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác, vợ chồng anh Phít rất vui, thế nhưng đến năm lên 4 tuổi, chân tay Rát bắt đầu co quắp lại, giống như 2 người chị của em, cha mẹ em đã chạy vay mượn khắp nơi đưa em đi điều trị nhưng bác sĩ nào khám cho Rát cũng đều kết luận căn bệnh của em là do di truyền từ người cha tật nguyền.
Em Phan Thị Rát, tại lễ tuyên dương thanh niên điển hình tiên tiến tỉnh Ninh Thuận.
Không chịu đầu hàng số phận, khi đến tuổi đi học, Rát nằng nặc xin cha mẹ cho em được đến trường. Thương con, chị Xí bế Rát đến xin Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Lạc Nghiệp cho em được vào lớp. Bỏ qua những cái nhìn đầy ái ngại của thầy giáo, cô giáo và bạn bè, cắn răng chịu đựng những cơn đau co rút tay mỗi khi viết bài, Rát cần mẫn chăm chỉ chuyên tâm học. Lúc bấy giờ theo Rát nghĩ đơn giản"để cha mẹ hết buồn".
Kết quả thật bất ngờ, ngay trong học kỳ đầu tiên em đã đạt học sinh giỏi và liên tiếp những năm tiểu học, Rát luôn mang về cho cha mẹ giấy khen về thành tích học giỏi của mình. Cảm thông với hoàn cảnh gia đình khó khăn và yêu mến đức tính chịu khó và tinh thần ham học của em, Ban Giám hiệu nhà trường có công văn xin được miễn học phí cho em bắt đầu từ năm lớp 3.
Không phụ lòng thầy cô giáo và cha mẹ, trong những năm học cấp II, Rát tiếp tục giữ vững danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, điều mà ít ai ngờ đến đối với một cô bé khuyết tật như Rát. Lên cấp III, Rát phải học cách xa nhà gần 40km, em phải thuê phòng trọ cùng các bạn, chi phí tiền ăn, ở trọ và sinh hoạt cá nhân mỗi tháng 800.000 đồng, một số tiền không nhỏ đối với gánh hàng rong của mẹ em.
Vào những dịp nghỉ lễ, em ít dám về nhà thăm cha mẹ, vì đi lại khó khăn lại tốn kém, thế là trong khi bạn bè tranh thủ về thăm nhà thì em lại hì hục tập viết để nét chữ được tròn trịa hơn.
Em tâm sự mà đôi mắt ngấn nước:"Vì tay co quắp nên viết chữ xấu, sợ thầy, cô giáo đọc không ra, nhất là lúc làm bài thi, thời gian có hạn, mà em thì viết khoảng 15 phút là phải nghỉ một chút nếu không tay co lại đau lắm". Suốt 10 năm liền, Rát đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Riêng năm học lớp 11 này, cuối học kỳ I Phan Thị Rát có số điểm trung bình xếp hàng thứ nhì của Trường THPT Nguyễn Trãi (Phan Rang) và được chọn cử đi thi học sinh giỏi môn Anh văn dành cho khối lớp 12.
Thầy nguyễn Huệ Khải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết:"Trường chúng tôi rất tự hào về em Rát, luôn lấy gương em để giáo dục những em khác, tôi cho rằng Rát là một học sinh cực kỳ đặc biệt, đối với một học sinh bình thường, để có một kết quả học tập như thế đã là khó, vậy mà khuyết tật như em Rát đạt được thành tích học tập như vậy thì đáng tự hào lắm chứ."
Thấu hiểu hoàn cảnh của em, nên ngoài việc miễn toàn bộ các loại phí cho em, Hội khuyến học của trường còn tặng cho em mỗi tháng 100 ngàn đồng để phụ cho em chi phí học hành...
Chỉ còn 1 năm nữa là Rát sẽ bước vào giảng đường đại học, em mang trong mình ước mơ được trở thành một nhà biên dịch sách, theo em thì công việc này sẽ hợp với em hơn vì ít di chuyển mà có thể kiếm thêm thu nhập để phụ giúp mẹ